Những ngày giáp tết có vị gì?
Những ngày này ở quê, tiết trời se lạnh, sáng sớm và chiều tối, mọi người đều nhắc nhau khoác thêm chiếc áo ấm. Gió thổi rì rào, những hàng cây trong vườn nhà lúc nào cũng đung đưa xào xạc. Hoa mẹ trồng trước cổng nhà cứ đến trưa là khoe sắc rực rỡ. Đất trời, thiên nhiên dường như đã sẵn sàng đón tết.
Hẳn nhiều người cũng như tôi, thích nhất không phải là đêm giao thừa hay mùng 1, mùng 2 mà là những ngày giáp tết này. Lá mai đã được lặt hết từ giữa tháng Chạp, sau chuỗi ngày tưới nước đều đặn, nụ mới đã bắt đầu nở, vàng một góc sân. Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Mẹ đã lau chùi xong mấy hũ thủy tinh để đựng dưa món củ kiệu, thịt heo, măng khô, nem chua chả lụa đã chuẩn bị xong xuôi. Nói là xong xuôi vậy đó mà ngày nào cũng có cái để làm và cứ đi chợ thì mẹ lại mua đủ thứ đồ, từ cái chổi quét nhà, chổi quét sân đến bánh mứt, me ngâm…
Chưa kể, mẹ bán bún riêu nên đến cuối năm là những cô hàng thịt, hàng tôm, những mối quen lấy bún, rau lại biếu quà tết. Bột ngọt, đường, dầu ăn,… chất đầy một góc bếp. Mỗi ngày mẹ đem vài món về đến ba mươi tết mới thôi. “Cả năm làm không dám nghỉ một ngày, có một dịp ăn chơi duy nhất thôi đó nên phải sắm sửa cho đủ chứ bây” - năm nào mẹ cũng nói câu này.
Chợ quê mỗi lúc một đông, vì đám thanh niên mưu sinh ở thành phố lần lượt về nhà ăn tết. Nhà này í ới nhà kia, “con gái mới về mua ít bánh trái biếu cô Hai ăn tết”. Những cuộc trao đổi quà như thế này vẫn đang kéo dài, quà chẳng có gì to tát, đòn bánh tét, khúc giò bê, hộp mứt vỏ bưởi, vài chai nước mắm… có nhiêu tiền đâu mà quý ơi là quý. Đó là tại quý cái tình làng nghĩa xóm.
Người ta nói “vui như trẻ con vui tết” chẳng có sai một chút nào. Bọn trẻ trong xóm đã được nghỉ học, lúc dọn nhà thì mếu máo kêu than chứ lúc được dẫn đi sắm đồ mới thì phấn khởi lắm, chúng hồn nhiên và cười tươi rói khi nói về những ngày sắp tới sẽ được xem múa lân và nhận lì xì.
Những ngày giáp tết có vị mặn của mồ hôi. Vì bố tất bật chạy những chuyến xe chở hàng cuối năm, vì chú tranh thủ sơn cho xong cái nhà cho khách kịp ăn tết lớn. Vì mẹ vừa lo bán buôn vừa chuẩn bị đầy đủ trước sau. Vì con trai con gái được nghỉ làm ít ngày mà cũng phải hì hục dọn nhà. Nhưng những ngày giáp tết cũng có vị ngọt của đong đầy yêu thương. Duy nhất một dịp trong năm mọi người sẵn lòng bỏ qua những trách móc giận hờn để ngồi xuống ăn mâm cơm tất niên. Cũng duy nhất một dịp đủ sức mạnh kéo những người nông dân từ ruộng đồng về nhà, thảnh thơi nghỉ ngơi.
Không hiểu sao năm nào người ta cũng tranh cãi có nên bỏ tết cổ truyền để làm giàu, để hội nhập. Làm hơn 300 ngày mỗi năm không giàu thì làm thêm mấy ngày Tết có chắc giàu được không? Mà bao nhiêu tiền thì gọi là giàu? Bao nhiêu tiền thì đủ để mua ba ngày tết sum vầy và mua được không những ngày giáp tết rộn ràng thế này?
Những ngày này vui đến nỗi cứ sợ nó qua nhanh, cứ phải dặn mình, dặn gia đình sống chậm lại để tận hưởng từng chút một. Trẻ nhỏ có niềm vui áo mới, người già có niềm vui gặp gỡ con cháu. Đến cây lá còn chộn rộn đâm chồi nảy lộc thì cớ sao ta không hoan hỉ đón chào tết?
(Báo Thanh Niên)